Sáng ngày 27/10/2022, Hiệp hội các nhà khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global), Học viện Ngân hàng (HVNH), Hiệp hội Quốc tế vì Sự phát triển của Kinh tế – Tài chính (ISAFE), Trường kinh doanh IPAG (Pháp) và Đại học Massey (New Zealand) đã chính thức khai mạc Diễn đàn Việt Nam về Ngân hàng và Tài chính (VSBF) năm 2022 tại Hội trường Lớn (D1), Học viện Ngân hàng
Năm 2022, Diễn đàn chính thức khởi động lại với chủ đề “Các vấn đề về học thuật và thực tiễn trong lĩnh vực Tài chính Ngân hàng” cùng mục tiêu mở ra cơ hội quan trọng cho các học giả Việt Nam góp phần nâng cao năng lực của các cơ sở nghiên cứu trong nước, thông qua trao đổi ý tưởng và hợp tác, thực hiện các dự án nghiên cứu với đồng nghiệp quốc tế.
Lần thứ bảy được tổ chức, VSBF đã và đang trở thành một sự kiện quốc tế mang tính học thuật, để các chuyên gia, học giả, nhà làm thực tiễn có thể trình bày kết quả nghiên cứu, thảo luận về các vấn đề thách thức trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính, tiền tệ và kinh tế vĩ mô. Ngoài ra, VSBF được xác định là diễn đàn quan trọng, để HVNH phát huy vai trò, vị thế và uy tín, đồng thời thúc đẩy mối quan hệ hợp tác nghiên cứu với các đối tác quốc tế trong khu vực và trên thế giới.
Tham dự VSBF 2022, về phía các đơn vị đồng tổ chức Diễn đàn có GS.TS. Sabri Boubaker- Trường kinh doanh EM Normandie Paris (Pháp), Chủ tịch ISAFE; GS. TS Nguyễn Đức Khương- Phó Giám đốc Phụ trách Nghiên cứu, Trường Kinh doanh IPAG (Pháp), Chủ tịch AVSE Global; PGS.TS. Đỗ Xuân Hùng- Đại học Massey (New Zealand), Giám đốc Mạng lưới Tài chính và Ngân hàng AVSE.
Về phía các Diễn giả chính, có GS. Arman Eshraghi- Phó trưởng phòng Nghiên cứu, Tác động và Đổi mới, Trường Kinh doanh Cardiff (Vương quốc Anh); PGS. Rose Liao, Đại học Rutgers (Hoa Kỳ), Tổng biên tập tạp chí Emerging Market Review; TS. Toàn Phan – Chuyên gia kinh tế, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Richmond (Hoa Kỳ). Về phía các cơ quan của Việt Nam có Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ; Luật sư Nguyễn Thành Nam, Giám đốc Công ty Luật Gattaca. Về phía Học viện Ngân hàng có TS. Bùi Hữu Toàn- Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường HVNH; PGS.TS. Đỗ Thị Kim Hảo- Phó Giám đốc phụ trách HVNH, PGS.TS. Lê Văn Luyện, PGS.TS. Nguyễn Thanh Phương – Phó Giám đốc HVNH; PGS.TS. Phạm Thị Hoàng Anh- Viện trưởng Viện NCKH Ngân hàng, HVNH kiêm chủ tọa Diễn đàn cùng hơn 150 nhà khoa học trong và ngoài nước, trong đó có nhiều học giả hàng đầu thế giới trong lĩnh vực Tài chính- Ngân hàng.
Phát biểu khai mạc VSBF 2022, TS. Bùi Hữu Toàn- Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường HVNH cho biết, Diễn đàn được tổ chức trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang trải qua những thay đổi mạnh mẽ, đặc biệt là sau đại dịch COVID-19. Nhằm ứng phó với đại dịch và phục hồi kinh tế, các quốc gia trên thế giới đã thực thi chính sách tiền tệ nới lỏng cộng với một số nguyên nhân khách quan khác đã khiến cho tình trạng lạm phát gia tăng, kéo theo đó, buộc nhiều quốc gia trên thế giới phải tăng lãi suất, thực thi chính sách tiền tệ thắt chặt để kiểm soát lạm phát, nhưng kết quả lại ảnh hưởng đến khả năng phục hồi của các nền kinh tế. Bên cạnh đó, COVID-19 lại khiến giai đoạn vừa qua trở thành thời kỳ chuyển đổi số mạnh mẽ hơn bao giờ hết, trong đó có ngành Tài chính- Ngân hàng, với sự phát triển nhanh chóng của các dịch vụ Ngân hàng- Tài chính số. Sự phát triển này được kỳ vọng sẽ mang đến những thay đổi tích cực cho hoạt động của hệ thống Tài chính- Ngân hàng truyền thống trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng. VSBF 2022 được tổ chức với mục đích trở thành một môi trường lý tưởng để các nhà quản lý, chuyên gia, nhà làm thực tiễn trao đổi kiến thức, kinh nghiệm về những vấn đề thời sự của nền kinh tế, bao gồm những vấn đề gắn với lĩnh vực tài chính- ngân hàng, đặc biệt là trong giai đoạn chuyển đổi số mạnh mẽ từ ảnh hưởng của COVID-19.
TS. tin tưởng rằng những chia sẻ, trao đổi trong các phiên chuyên đề của VSBF 2022 không chỉ mang lại kiến thức khoa học và thực tiễn bổ ích cùng những trải nghiệm có ý nghĩa cho các đại biểu mà còn mang lại những đóng góp thiết thực cho công tác điều hành của Ngân hàng Trung ương và hoạt động của ngành Ngân hàng; đồng thời đề nghị Học viện Ngân hàng, với tư cách là đơn vị tổ chức, tổng hợp những luận điểm khoa học quan trọng để làm cơ sở cho việc xây dựng các chính sách điều hành, phát triển nền kinh tế Việt Nam nói chung và ngành Tài chính- Ngân hàng nói riêng.
Phát biểu chào mừng tại Diễn đàn, GS.TS. Sabri Boubaker- Trường kinh doanh EM Normandie Paris (Pháp), Chủ tịch ISAFE cho biết hoạt động kinh tế toàn cầu ngày nay đang liên thông trên diện rộng, với bức tranh chung là tăng trưởng chậm hơn dự kiến và lạm phát cao hơn mức đã thấy trong vài thập kỷ. Tăng trưởng toàn cầu được dự báo sẽ chậm lại từ 6% năm 2021 xuống còn 3,2% vào năm 2022 và 2,7% vào năm 2023. Đây là mức tăng trưởng yếu nhất trong 20 năm qua, ngoại trừ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và giai đoạn của đại dịch COVID-19. Lạm phát toàn cầu được dự báo sẽ tăng từ 4,7% vào năm 2021 lên 8,8% vào năm 2022, nhưng sau đó hạn nhiệt xuống 6,5% trong 2023 và 4,1% vào năm 2024. “Chính sách tiền tệ được kỳ vọng sẽ đi đúng hướng để khôi phục sự ổn định giá cả, và chính sách tài khóa cần tiếp tục được thiết kế để giảm bớt chi phí’’, Giáo sư Sabri Boubaker khuyến nghị.
Diễn ra trong ba ngày, từ 27-29/10/2022 với 45 phiên thảo luận, gồm 3 phiên tổng thể, 42 phiên song song, VSBF 2022 đã thu hút sự quan tâm và tham gia của đông đảo các nhà khoa học đến từ các cơ quan ban ngành, trường đại học, viện nghiên cứu, cũng như các tổ chức tài chính trong và ngoài nước. Trải qua các vòng phản biện kín, 135 bài viết xuất sắc nhất đã được lựa chọn để trình bày tại Diễn đàn, với sự tham dự của hàng trăm tác giả, là các nhà nghiên cứu hàng đầu thế giới trong lĩnh vực tài chính- ngân hàng. Nội dung các bài trình bày tại Diễn đàn tập trung vào đa dạng nhiều chủ đề, bao gồm: Tiền tệ, ngân hàng và thị trường tài chính; Kinh tế vĩ mô tài chính-tiền tệ; Các quy định trong lĩnh vực Ngân hàng và dịch vụ tài chính; Các cuộc khủng hoảng tài chính-tiền tệ; Các chính sách tài chính và tiền tệ; Quản trị rủi ro; Quản trị doanh nghiệp, Tài chính doanh nghiệp, Tài chính khí hậu và phát triển bền vững, Quỹ đầu tư, Tài chính số, v.v. Các báo cáo khoa học đều cho thấy năng lực nghiên cứu tốt của các nhà khoa học với việc ứng dụng linh hoạt các phương pháp nghiên cứu hiện đại, bố cục nội dung logic, lập luận chặt chẽ và luận cứ vững vàng.
Một số hình ảnh tại Diễn đàn:
Phiên tổng thể với chủ đề “Examining The Role of Culture in Finance” dưới sự chủ trì của GS. Arman Eshraghi- Phó trưởng phòng Nghiên cứu, Tác động và Đổi mới, Trường Kinh doanh Cardiff (Vương quốc Anh)