Sáng ngày 03/11/2022, thực hiện kế hoạch hợp tác quốc tế năm 2022, Học viện Chính trị khu vực II đồng phối hợp với Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) long trọng tổ chức Hội thảo quốc tế: Lãnh đạo học và chính sách công năm 2022 với chủ đề “Phục hồi sau đại dịch COVID-19 với định hướng từ các chính sách quản trị công”.
Dự Hội thảo có GS. Nguyễn Đức Khương – Chủ tịch Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu;TS. Chu Thanh Tuấn – Giám đốc Chương trình cao cấp, Trường Kinh doanh và Quản lý, RMIT Việt Nam và AVSE Toàn cầu; PGS. Trần Phương Trà – Giám đốc nhóm chính sách kinh tế, AVSE Global; PGS, TS. Hoàng Văn Nghĩa – Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; PGS, TS. Đỗ Tất Cường – Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý khoa học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Về phía Học viện Chính trị khu vực II có PGS, TS. Nguyễn Quốc Dũng – Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện; PGS, TS. Nguyễn Tấn Vinh – Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Học viện; TS. Nguyễn Thị Tuyết Mai – Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Giám đốc Học viện và các giảng viên, nghiên cứu viên; đại diện học viên các lớp cao cấp lý luận chính trị đang học tại Học viện. Đại biểu khách mời khác bao gồm: đại diện lãnh đạo: các Học viện Chính trị khu vực I, III, IV; các trường chính trị khu vực phía Nam: Long An, Bình Thuận, Trà Vinh, Đồng Tháp, Bến Tre, Vĩnh Long, Hậu Giang, Bình Dương, Bình Phước; đại diện lãnh đạo các ban Đảng phía Nam, đại diện lãnh đạo tỉnh ủy/thành ủy và ủy ban nhân dân các tỉnh/thành Đông Nam Bộ, đại diện các trường đại học, cao đẳng khu vực phía Nam và một số đại biểu quốc tế, trong nước.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS, TS. Nguyễn Quốc Dũng thay mặt cho toàn thể lãnh đạo, viên chức, người lao động và học viên của Học viện Chính trị khu vực II nhiệt liệt chào mừng quý đại biểu đến tham dự Hội thảo quốc tế tại Học viện Chính trị khu vực II. PGS, TS. Nguyễn Quốc Dũng nhấn mạnh: Đại dịch COVID-19 bùng phát và tác động rất lớn đến các hoạt động thương mại, đầu tư của các nước trên thế giới. Giãn cách xã hội ở nhiều quốc gia gây ra suy giảm giá trị xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ, kèm theo đó là thu nhập giảm, tiêu dùng giảm và hoạt động xuất, nhập khẩu bị đình trệ. Cấu trúc sản xuất toàn cầu mang tính tập trung cao độ, một số trung tâm lớn trên thế giới cung ứng đầu vào, đóng vai trò quan trọng trong chuỗi giá trị và mạng sản xuất toàn cầu như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ… chịu tác động nặng nề từ đại dịch COVID-19. Nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái nghiêm trọng đã kéo theo nền kinh tế Việt Nam với độ mở lớn, hội nhập quốc tế sâu, rộng đã và đang chịu nhiều tác động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tất cả các lĩnh vực kinh tế – xã hội, gây gián đoạn chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại, làm đình trệ các hoạt động sản xuất – kinh doanh, dịch vụ; tác động trực tiếp đến các ngành xuất, nhập khẩu, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, y tế, giáo dục, lao động, việc làm; nhiều doanh nghiệp phá sản, giải thể, tạm dừng hoạt động.
Trước bối cảnh đó, Chính phủ Việt Nam đã có những chính sách kịp thời để từng bước hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn của đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, bên cạnh đó, nền kinh tế Việt Nam vẫn còn tồn tại một số vấn đề như: Mô hình tăng trưởng kinh tế còn chủ yếu theo chiều rộng, quá trình chuyển dịch mô hình tăng trưởng còn chậm;Tăng trưởng kinh tế còn phụ thuộc nhiều vào đầu tư, trong đó có đầu tư nước ngoài; Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế mở nhưng có độ mở lớn, phụ thuộc nhiều vào biến động kinh tế thế giới; Năng suất, hiệu quả của nền kinh tế còn thấp, nền kinh tế sử dụng công nghệ lạc hậu, năng lực cạnh tranh yếu dẫn đến dễ bị tổn thương khi xảy ra các biến cố từ bên ngoài, trong đó có dịch bệnh…
Xuất phát từ vai trò và tầm quan trọng đó, Hội thảo khoa học với chủ đề Phục hồi sau đại dịch COVID-19 với định hướng từ các chính sách quản trị công đã thu hút và nhận được sự quan tâm của đông đảo nhà khoa học, nhà nghiên cứu trên toàn thế giới cũng như các cơ quan thông tấn báo chí trong nước. Hội thảo đã tiếp nhận được nhiều bài tham luận từ khắp các tổ chức, nhà nghiên cứu trên thế giới như: Hoa Kỳ, Pháp, Ấn Độ, Hàn Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc), Indonesia… Trong đó, Hội đồng thẩm định đã thông qua 36 bài tham luận để trình bày tại các phiên toàn thể và phiên song song của Hội thảo.
Với tính chất quan trọng này, PGS, TS. Nguyễn Quốc Dũng đề nghị, Hội thảo cần tập trung thảo luận các chủ đề: Mua sắm công; Hoạch định và quản lý chiến lược trong Hành chính công; Chống tham nhũng; Quản trị và hành chính công; Các chính sách kinh tế nhằm phục hồi nền kinh tế sau Đại dịch COVID-19; Lãnh đạo, thay đổi và quản lý công; Đầu tư công (mua sắm công và quan hệ đối tác công – tư); Thực hiện và đánh giá chính sách. Đồng chí tin tưởng, cùng các nội dung thiết thực, cấp thiết cả về lý luận và thực tiễn, Hội thảo sẽ là diễn đàn học thuật để các nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn trong và ngoài nước cùng trao đổi, chia sẻ kiến thức, kỹ năng nhằm nâng cao hiệu quả quản trị công trong phục hồi nền kinh tế sau đại dịch COVID-19.