Họ đều là những “cao thủ” của nhiều lĩnh vực, đang gặt hái thành công ở khắp thế giới có chung tình yêu Tổ quốc và khao khát được trở về cống hiến cho Việt Nam.
Một Chủ nhật đầu tháng 10, trong ngôi nhà ở Paris, Đinh Thanh Hương thức dậy từ lúc 4h30 để bắt đầu một ngày bận rộn cho AVSE GLOBAL – Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu. Sau một tiếng đọc sách, nữ lãnh đạo của một ngân hàng lớn hàng đầu thế giới ngồi vào bàn, điều hành cuộc họp về chương trình phát triển cho một tỉnh miền núi ở Việt Nam và ngay sau đó là cuộc họp với một đối tác đang muốn đẩy cuộc thi Đổi mới sáng tạo Hack4Growth lên tầm quốc tế.
Sau đó chị dành 3 tiếng chơi bóng với chồng con, rồi lại tiếp tục họp với các đầu cầu châu Á, châu Úc, châu Mỹ liên quan đến các dự án khác nhau của AVSE.
Hơn 5 năm qua, các công việc của AVSE Global lấy thời gian của chị nhiều không kém công việc chính. Nhưng điều đó không khiến người phụ nữ này bận tâm bởi chị xem đóng góp xây dựng Tổ quốc là một trong 6 ước mơ của cuộc đời chị.
Ngay từ những năm mới lập nghiệp ở Pháp, chị Hương đã hay theo các tổ chức phi chính phủ về Việt Nam làm thiện nguyện. Khi được AVSE mời phối hợp để phát triển mảng đào tạo cán bộ cao cấp cho Việt Nam với vai trò giám đốc chương trình đổi mới và sáng tạo, chị đã vô cùng bất ngờ với những đồng nghiệp nhiệt huyết, làm việc bất kể ngày đêm. Những ngày đầu tổ chức chưa có kinh phí, mọi người phải tự bỏ tiền túi ra để đi lại. Thậm chí, có chuyến đào tạo ở Thụy Sĩ, cả đoàn tiết kiệm đến mức 4 chị em ở chung một căn phòng trọ, ngủ giường tầng, phòng tắm công cộng. “Tôi bị cuốn đi như kiểu đang leo một ngọn núi, càng nhìn càng thấy cảnh đẹp quá và không mệt nữa”, chị Thanh Hương nói.
Hiện tại chị Hương đang chủ trì triển khai nhiều hoạt động ở Việt Nam, ví dụ như chương trình “Quỹ tương hỗ” triển khai tại một tỉnh miền núi để giúp các gia đình thoát nghèo bằng đặc trưng kinh tế đặc sắc vùng miền. Dự án này được một tỷ phú người Việt ở nước ngoài và quỹ của AVSE đầu tư.
Thanh Hương không phải là người duy nhất đảm đương cùng lúc nhiều trọng trách như vậy. Chị Lê Võ Phương Nga hiện vừa là giám đốc quản trị rủi ro tài chính tại Ngân hàng đầu tư quốc tế Credit Agricole (Pháp), vừa là giám đốc tài chính của AVSE.
Nữ chuyên gia có 17 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý ngân hàng chia sẻ, chị luôn tin rằng có nhiều cách khác nhau để hướng về Tổ quốc. Năm 2003, chị Phương Nga đã “lôi kéo” được một tổ chức bác sĩ Pháp chuyên cứu trợ thuốc men cho các nước đang phát triển về Việt Nam.
Khi khảo sát vùng đồng bằng sông Cửu Long, cả đoàn đã vô cùng xót xa thấy có những hộ dân chỉ sống trong chiếc chòi 2 mét vuông bên bờ ruộng nên quyết định ngoài trợ cấp thuốc men, họ sẽ xây trạm xá và đào tạo chuyên môn cho nhân viên y tế. Quá trình làm việc ở các địa phương và nhập cảnh thuốc không hề dễ dàng, khiến ngay cả nhiều người trong đoàn cũng muốn bỏ cuộc. Chị Phương Nga đã thuyết phục ngay chính trong tổ chức và bay từ Pháp về Việt Nam nhiều lần, cuối cùng nhóm đã xây dựng 7 trạm xá với cho các địa phương nghèo nhất. “Kỷ niệm vui này như một nguồn nội lực mỗi khi tôi nhớ lại”, chị bày tỏ.
Tiếp đó, chị đã thuyết phục ngân hàng mình đang công tác triển khai một quỹ tín dụng đến 50 hộ nghèo ở tỉnh Đồng Tháp và Mỹ Tho. Chương trình thực chất là hỗ trợ tiền mặt, song chị Nga đã đề nghị cách làm khác đi, đó là cho vay lãi suất 0% trong 3 năm để người dân có trách nhiệm. Sau 3 năm, đời sống các hộ dân cải thiện thấy rõ thì lúc này chương trình xóa nợ cho họ.
Năm 2019, chị Nga là một trong 20 người chủ chốt tổ chức Diễn đàn người Việt có tầm ảnh hưởng toàn cầu. Sự kiện tập trung vào chủ đề “Nâng tầm thương hiệu Việt Nam”. “Trong giai đoạn chạy nước rút cho diễn đàn, có nhiều người hoài nghi ‘Liệu có làm được không?’. Tất cả chúng tôi từ nhiều đầu cầu trên thế giới đã có nhiều đêm không ngủ và những quyết định đúng thời điểm đã làm nên thành công của sự kiện”, chị chia sẻ.
Hai nguyên tắc trong cuộc sống của chị Phương Nga là nhìn mọi việc một cách tích cực, làm mọi việc với tâm thế mình ngự trị, giải quyết vấn đề chứ không phải để “vấn đề giải quyết mình”. Thứ hai là cùng một chủ đề hoàn toàn có thể giải quyết bằng nhiều cách khác nhau, chọn cách nào tối ưu nhất thì hãy dám đương đầu với nó.
Hơn mười năm theo đuổi sự nghiệp ở nước ngoài song chỉ đến khi hướng về Tổ quốc, chị Trần Phương Trà – giám đốc mạng lưới kinh tế – chính sách của AVSE mới thấy cuộc sống của mình thực sự “giàu có”. “Trước khi tham gia tổ chức tôi không hiểu biết nhiều về đất nước. Tham gia rồi, có những vấn đề của đất nước tôi nói được rất sâu. Sống ở nước ngoài mà tôi cảm thấy như đang sống với bà con và đóng góp như ở trong nước”, chị Phương Trà, giám đốc chương trình quản trị kinh doanh của IPAG Business School (Pháp) chia sẻ.
Tháng 10/2018, Phương Trà được tổ chức giao nhiệm vụ tổ chức chương trình đào tạo cho đoàn cán bộ cao cấp của Việt Nam với các tổ chức ở Pháp trong đó có Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OEDC). Sau khi kết thúc khóa đào tạo, nhóm của chị Trà tiếp tục kết nối với OECD để thúc đẩy Chương trình quốc gia của OECD, giúp Việt Nam có cơ hội tiếp cận với các tiêu chuẩn quốc tế về xây dựng thể chế cho quản lý và phát triển đầu tư, công nghệ cao, phát triển bao trùm, phòng chống tham nhũng và quản trị doanh nghiệp Nhà nước. Ở châu Á, chỉ có Thái Lan được chọn để thực hiện chương trình này.
“Không bao giờ tôi tưởng tượng hành động kết nối nhỏ bé của mình lại có tác động mang đến tầm ảnh hưởng lớn đến thế “, tiến sĩ Trà nói.
Phó giáo sư Bùi Thị Minh Hồng, Đại học Bath (Anh) chia sẻ, cách đây 15 năm chị ra nước ngoài học tập. Cứ nghĩ, học xong rồi về, không ngờ niềm say mê nghiên cứu níu chân chị ở lại xứ sở sương mù tới tận giờ. Thông qua nghiên cứu và giảng dạy, chị truyền tải kiến thức cho các nhà quản lý và lãnh đạo giáo dục đại học đến từ nhiều quốc gia trên thế giới.
Giờ đây, đảm nhận chức giám đốc mạng lưới giáo dục Edunet của AVSE, chị Hồng đang làm việc với một đội ngũ hơn 10 chuyên gia giáo dục người Việt đang sinh sống ở nhiều quốc gia trên thế giới để tìm các giải pháp cải cách nền giáo dục trong nước.
Hay như TS. Nguyễn Thu Trà, Giám đốc chương trình Thạc sỹ về Quản trị tại ĐH CNAM (Pháp) thường xuyên công tác ở nhiều nước cho CNAM hay về Việt Nam cho các hoạt động của AVSE Global. Có những chuyến đi của chị kéo dài cả nửa tháng, nhưng việc nhà, việc chăm sóc các con vẫn “không trật nhịp nào”. Mấy năm nay, chị có hai chuyến đi dài ngày về nước để tổ chức Diễn đàn Việt Nam Phát triển bền vững và Hội thảo Lãnh đạo học và Chính sách công vào tháng 1 và tháng 10 hàng năm…
Tất cả họ là những người phụ nữ Việt thành công và có tầm ảnh hưởng trên thế giới. Ai cũng có công việc bận rộn và một tổ ấm cần chăm sóc, song vẫn dành thời gian mỗi ngày làm các công việc cho tổ chức không nhận về bất kỳ quyền lợi nào. Trong cuộc phỏng vấn này, nhiều người đã chia sẻ càng đi xa họ càng nghĩ về quê hương nhiều hơn. Thấy những việc thế giới làm được, trong ai cũng có thôi thúc phải làm được cho nơi chôn rau cắt rốn của mình. AVSE Global là cái nôi giúp những người phụ nữ thực hiện tâm huyết phụng sự tổ quốc.
“Một người dù có giỏi tới đâu đứng một mình thì rất khó làm được việc lớn. Chất keo kết dính tất cả chúng tôi là biết sức lực nhỏ bé của mình có thể hợp lại làm được những việc tầm cỡ quốc gia”, tiến sĩ Đinh Thanh Hương nói.
Nguồn: vnexpress.net