Trong giai đoạn nền kinh tế đang nỗ lực phục hồi, tín dụng tiêu dùng sẽ góp phần kích thích tổng cầu, hỗ trợ tăng trưởng và phát triển nền kinh tế. Agribank cùng ngành Ngân hàng đang tích cực tung ra nhiều sản phẩm tín dụng tiêu dùng đa dạng với ưu đãi hấp dẫn, thủ tục cho vay đơn giản, linh hoạt để phần nào kích thích tăng trưởng kinh tế và góp phần đẩy lùi “tín dụng đen” vẫn đang tiềm tàng trong mùa dịch.
Cho vay tiêu dùng thúc đẩy phát triển sản xuất và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân
Với dân số hơn 98 triệu người, đứng thứ 15 trên thế giới, trong đó khoảng 50 triệu người ở độ tuổi lao động, Việt Nam là thị trường đẩy tiềm năng đối với loại hình dịch vụ tín dụng tiêu dùng, nhất là khi đời sống xã hội ở Việt Nam ngày càng có sự thay đổi tích cực, thu nhập của người dân ngày càng được cải thiện…Các chuyên gia kinh tế cho rằng, kinh tế tiêu dùng cần được lựa chọn như là “bàn đạp” cho sự tăng trưởng GDP của nền kinh tế đất nước. Bởi kinh tế tiêu dùng, bên cạnh việc mang đến những lợi ích to lớn cho ngân hàng, doanh nghiệp, người tiêu dùng thì còn chiếm tỷ trọng lớn trong tăng trưởng GDP. Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, tỷ trọng tiêu dùng trong tổng GDP của Việt Nam liên tục tăng cao.
Cụ thể, cho vay tiêu dùng trong 10 năm qua luôn cao hơn tăng trưởng dư nợ cho vay chung toàn nền kinh tế, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2010-2020 đạt 33,7%, trong khi đó tốc độ tăng dư nợ tín dụng chung toàn nền kinh tế đạt 17,3%. Dư nợ cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, cho vay tiêu dùng đến cuối năm 2020 đạt 1,85 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 10,5% so với năm 2019 và tăng hơn 10 lần dư nợ cuối năm 2010. Về tỷ trọng dư nợ cho vay phục vụ đời sống, cho vay tiêu dùng cũng tăng từ 8,17% dư nợ nền kinh tế năm 2010 lên trên 20%/dư nợ nền kinh tế năm 2020 (Theo thông tin tại buổi tọa đàm “Tài chính tiêu dùng – Sức sống mới sau hơn 10 năm phát triển” do báo Đầu tư tổ chức ngày 25/3/2021). Bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế – Ngân hàng Nhà nước cho biết, cho vay tiêu dùng một mặt giúp đáp ứng nhu cầu của người dân chi tiêu, nâng cao khả năng tiếp cận tài chính của đại bộ phận người dân, mặt khác còn có ý nghĩa lớn trong việc kích cầu nền kinh tế và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Phó TGĐ Agribank Phạm Toàn Vượng tại buổi tọa đàm “Nhận diện, đẩy lùi nạn tín dụng “đen”” do báo Người Lao động tổ chúc
Trên cơ sở định hướng, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, trong nhiều năm qua, Agribank luôn chú trọng đẩy mạnh cho vay tiêu dùng thông qua những chính sách cho vay, chương trình ưu đãi lãi suất theo từng phân khúc khách hàng, đa dạng trong các gói vay, lãi suất thấp, thủ tục giải ngân nhanh chóng, dễ dàng. Một số sản phẩm vay tiêu dùng nổi bật tại Agribank như: Cho vay mua sắm hàng tiêu dùng, vật dụng trong gia đình; Cho vay phục vụ nhu cầu đời sống; Cho vay xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, mua nhà ở, đất ở đối với dân cư; Cho vay mua phương tiện đi lại; Cho vay thấu chi;… Ông Phạm Toàn Vượng, Phó Tổng Giám đốc Agribank cho biết, tính đến cuối năm 2020, ngân hàng đã tiếp tục cung ứng 1,6 triệu tỉ đồng nguồn vốn cho nền kinh tế (bình quân mỗi tháng gần 135.000 tỉ đồng). Dư nợ cho vay khách hàng cá nhân gần 840.000 tỉ đồng, tăng trưởng hơn 7%, trong đó dư nợ cho vay tiêu dùng đạt gần 250.000 tỉ đồng, gấp gần 5 lần quy mô dự kiến ban đầu (5.000 tỷ), với gần 500.000 khách hàng được vay vốn để đáp ứng nhu cầu cấp bách như: chữa bệnh, nộp học phí,… Để triển khai các giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng tiêu dùng đối với khách hàng cá nhân, hộ gia đình và các giải pháp góp phần hạn chế “tín dụng đen”, Agribank đã ưu tiên xét duyệt và giải ngân trong ngày khi nhận được đầy đủ bộ hồ sơ hợp lệ đối với các mục đích tiêu dùng hợp pháp, cấp thiết, có nhu cầu vốn không quá 30 triệu đồng. Qua các chương trình cho vay tiêu dùng, Agribank mong muốn hỗ trợ khách hàng hiện thực hóa ước mơ, mục tiêu của mình và gia đình cũng như đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và mua sắm phục vụ nhu cầu đời sống; qua đó chung tay cùng ngành Ngân hàng giải quyết bài toán tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam.
Nhu cầu vay tiêu dùng tăng cao trong mùa dịch
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) nhận định đại dịch Covid-19 với những diễn biến ngày càng phức tạp, khó kiểm soát đã ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế chung của đất nước, kéo theo đó là những tác động tiêu cực đến tình hình lao động việc làm. Tại buổi họp báo công bố tình hình lao động, việc làm quý III và 9 tháng năm 2021 ngày 12/10/2021, Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động, Tổng cục Thống kê Phạm Hoài Nam thông tin, trong quý III và 9 tháng năm 2021, diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 lần thứ tư tại nhiều địa phương, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố trọng điểm kinh tế đã khiến cho tình hình lao động việc làm quý III năm 2021 tồi tệ hơn. Số người có việc làm giảm sâu so với quý trước và cùng kỳ năm trước, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm tăng lên mức cao nhất chưa từng thấy. Thu nhập bình quân tháng của người lao động sụt giảm nghiêm trọng so với quý trước và cùng kỳ năm trước.
Hàng triệu người lao động bị ảnh hưởng bới dịch Covid-19
Cụ thể, cả nước có hơn 28,2 triệu người từ 15 tuổi trở lên chịu ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19 khiến họ bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động quý III/2021 thấp nhất trong 10 năm trở lại đây với 65,6%. Tỷ lệ thiếu việc làm là hơn 1,8 triệu người, tăng 700,3 nghìn người so với quý II và tăng 620,0 nghìn người so với cùng kỳ 2020. Tỷ lệ thất nghiệp là 3,98%, mức tăng cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây, khiến cơ hội tìm kiếm việc làm của người lao động càng khó khăn hơn. Thu nhập bình quân tháng là 5,2 triệu đồng, giảm 877 nghìn đồng so với quý trước và giảm 603 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước. Lao động khu vực thành thị chịu thiệt hại nhiều hơn so với khu vực nông thôn. Có 46,2% lao động khu vực thành thị bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 trong khi đó con số này ở nông thôn là 32,4%.
Agribank “bơm” 20.000 tỷ đồng cho vay tiêu dùng, hỗ trợ người dân vượt qua cơn bão Covid-19
Nhận thấy những khó khăn mà người dân, đặc biệt là người dân ở khu vực thành thị gặp phải do đại dịch Covid-19 gây ra, nhằm hỗ trợ người dân giải quyết những vấn đề khó khăn trước mắt, đáp ứng các nhu cầu cần thiết, ổn định và vực dậy cuộc sống trở lại, đồng thời hạn chế nạn “tín dụng đen”, từ ngày 25/6/2021, Agribank dành 20.000 tỷ đồng triển khai chương trình cho vay tiêu dùng với lãi suất ưu đãi đối với khách hàng cá nhân khu vực đô thị bao gồm: thị trấn, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương. Cụ thể, chương trình này bắt đầu áp dụng đối với các khoản giải ngân mới từ 1/7/2021 đến hết ngày 31/12/2021 hoặc đến khi hết quy mô của chương trình. Lãi suất cho vay ưu đãi từ 6,5%/năm đến 7%/năm với mức cho vay tối đa dưới 4 tỷ đồng và thời gian áp dụng lãi suất cho vay ưu đãi là 12 tháng kể từ ngày giải ngân. Do nhiều tỉnh, thành phố trên toàn quốc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ nên đến hết ngày 30/9/2021, Agribank giải ngân hơn 1.053 tỷ đồng cho 1.325 khách hàng. Ngay khi Nghị quyết số 128 Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” được ban hành, Agribank đã chỉ đạo đến toàn hệ thống cử cán bộ bám sát địa bàn, nắm bắt nhu cầu vốn của khách hàng, tích cực phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức hội,… để phổ biến kịp thời, giúp người dân nắm bắt đầy đủ chính sách tín dụng của ngân hàng. Qua đó, đẩy nhanh tốc độ giải ngân của chương trình cho vay tiêu dùng, tăng số lượng người dân được tiếp cận gói vay với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ các khách hàng và người dân giải quyết các nhu cầu tiêu dùng và mua sắm phục vụ nhu cầu đời sống, kích cầu nền kinh tế và hỗ trợ kinh tế Việt Nam phục hồi và tăng trưởng.
Ngoài mức lãi suất ưu đãi thấp nói trên, Agribank cho phép khách hàng vay tiêu dùng với các gói vay dành cho hộ gia đình hoặc các cá nhân có thu nhập hàng tháng ổn định, theo đánh giá của ngân hàng là có khả năng trả nợ. Các gói vay tại Agribank không chỉ đa dạng mà còn phù hợp với tiêu chí vay của nhiều khách hàng. Bên cạnh đó, sản phẩm vay còn kèm thêm nhiều ưu đãi, tiện ích hấp dẫn thu hút lượng lớn khách hàng sử dụng sản phẩm Agribank như: Thẻ, Mobile Banking, Internet Banking, thanh toán hóa đơn, thu nợ tự động, thanh toán không dùng tiền mặt và nhiều dịch vụ linh hoạt khác của Agribank.
Song song với cho vay tiêu dùng lãi suất ưu đãi đối với khách hàng cá nhân khu vực đô thị, Agribank cũng đang triển khai chương trình cho vay thấu chi qua thẻ tại khu vực nông nghiệp, nông thôn lên đến 30 triệu đồng với lãi suất cạnh tranh thấp nhất thị trường để phục vụ chi tiêu đột xuất như: Thanh toán vật tư nông nghiệp, thanh toán các dịch vụ công như điện, nước, viễn thông, học phí, viện phí,… tại máy quẹt thẻ POS mà không cần tiền mặt hay phải chịu bất cứ một khoản phí thanh toán nào. Đến ngày 30/9/2021, đã phát hành 361.000 thẻ với hạn mức thấu chi cấp cho khách hàng là 2.300 tỷ đồng, số lượng máy POS đã cung cấp lắp đặt là 3.100 máy.
Các chương trình tín dụng tiêu dùng của Agribank góp phần hạn chế “tín dụng đen”
Trong bối cảnh những tháng cuối năm 2021, vừa phải tìm cách thích ứng với tình hình dịch bệnh còn nhiều phức tạp, vừa phải gồng mình khắc phục những khó khăn cũ, mới chồng chất do dịch bệnh Covid-19 gây ra và phát triển kinh tế, Agribank tiếp tục chủ động nắm bắt kịp thời tình hình diễn biến của dịch bệnh để triển khai mạnh mẽ, hiệu quả các chương trình, sản phẩm tín dụng tiêu dùng với lãi suất hợp lý, đồng thời chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước trong cho vay tiêu dùng, góp phần phục hồi và phát triển nền kinh tế đất nước.