COVID – 19 thúc đẩy cấu trúc kinh tế mới

November 15, 2020

GS TS Nguyễn Đức Khương – Thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, Chủ tịch Tổ chức khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) khẳng định: COVID-19 là một phần của hệ sinh thái tự nhiên và chắc chắn các quy luật xã hội và quy luật kinh tế phải thích ứng ở những hình thái khác nhau trong tương lai.

Đại dịch COVID-19 đang tàn phá nền kinh tế của nhiều quốc gia, có thể đưa đến khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Nếu chọn giữa nguy cơ suy thoái và khủng hoảng kinh tế thì từ nào đúng khi nói về tác động của dịch COVID-19 đến nền kinh tế thế giới cũng như Việt Nam?

Mặc dù thiệt hại về người nhỏ hơn rất nhiều so với nhiều dự báo ban đầu, nhưng COVID -19 lại có thể làm tê liệt cả một nền kinh tế và ở thời điểm này thì đã lan rộng đến toàn cầu. Hầu hết các quốc gia đã phải đưa ra những giải pháp khẩn cấp để ứng phó với những biến động bất thường từ sự lây lan của virus nCov. Không chỉ bệnh lý phức tạp mà ngay cả cơ chế lây nhiễm cũng không hẳn là giống nhau ở các quốc gia khác nhau.

Đến lúc này thì nhiều tổ chức kinh tế, tài chính quốc tế đã lần lượt điều chỉnh và hạ mức dự báo tăng trưởng toàn cầu. Ví dụ, báo cáo đánh giá kinh tế tạm thời của OECD ngày 2/3 cho rằng nền kinh tế thế giới đi vào giai đoạn rủi ro cao với mức tăng trưởng 2.4% (so với 2.9% năm 2019), và tỷ lệ này có thể sẽ giảm mạnh khi dịch bệnh tiếp tục kéo dài.

Mới đây nhất thì Fitch Ratings dự báo khả năng suy thoái sâu trong báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu với mức dự báo tăng trưởng kinh tế âm 1.9%. Thị trường chứng khoán ở hầu hết các quốc gia lao dốc và niềm tin của nhà đầu tư suy giảm mạnh. Lạm phát, thất nghiệp, nguy cơ phá sản của các doanh nghiệp, mất ổn định xã hội sẽ là những thách thức tiếp theo.

Ở nước ta, không lĩnh vực ngành nghề nào không bị ảnh hưởng, nhưng các khu vực chịu tổn thất lớn nhất phải kể đến du lịch – dịch vụ, vận tải – hậu cần, công nghiệp dệt may, kinh doanh bán lẻ, nông nghiệp và thuỷ hải sản.

Tuy đại dịch có thể được kiểm soát trong năm 2020 nhưng thiệt hại về kinh tế có thể trầm trọng hơn cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008- 2009, và phải mất nhiều năm mới có thể phục hồi tăng trưởng.

– Đại dịch làm rõ những thách thức lớn nào không chỉ của Việt Nam, thưa ông?

COVID-19 làm tê liệt các hoạt động sản xuất – kinh doanh – thương mại đến từ các giải pháp chống dịch

như phong toả, cách ly cộng đồng và hạn chế di chuyển, gián đoạn chuỗi cung – cầu và giá trị ở tất cả các cấp độ (trong nước, khu vực và quốc tế) đưa đến cản trở kinh doanh quốc tế, và những khó khăn trong thích ứng với hoạt động kinh tế xã hội khi tất cả mọi người phải ở nhà và làm việc từ xa.

Đặc biệt, gián đoạn trong chuỗi cung ứng đã đưa đến thiếu hụt nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất, làm hàng loạt các doanh nghiệp phải đóng cửa, hàng hóa sản xuất ra bị tồn đọng, và hàng triệu người lao động trong khu vực này gặp khó khăn và mất việc. Các lĩnh vực ngành nghề truyền thống hoặc có hàm lượng khoa học công nghệ thấp, ít có đầu tư cho R&D và đổi mới sáng tạo sẽ gặp nhiều khó khăn nhất trong việc sắp xếp lại tổ chức và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.

Như vậy, phép thử COVID-19 cho thấy các quốc gia đang phải đối mặt với những thách thức rất lớn trong phát triển đến từ: sự phụ thuộc lẫn nhau trong phát triển và toàn cầu hoá; thay đổi nhanh chóng của công nghệ, đưa đến yêu cầu thích ứng trong quy trình sản xuất, thói quen tiêu dùng và các tương tác xã hội và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, môi trường sống.

– Để giải quyết khủng hoảng, các nước trên thế giới đều thực hiện các chính sách kích thích tài khóa và tiền tệ, nhưng dường như các giải pháp này không thực sự hiệu quả, thưa ông?

Điều này cũng không phải bất ngờ vì các gói hỗ trợ dù gấp cũng cần thời gian để triển khai và đi đến người hưởng thụ. Hơn nữa mục đích chủ yếu của các gói này là giúp duy trì hoạt động trong điều kiện dịch bệnh. Riêng chính sách tiền tệ dùng để kích thích phục hồi tăng trưởng thường có độ trễ ít nhất 6 tháng.

Tuy sự kết hợp của chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ trong lúc này là đúng hướng, nhưng nó không phải là giải pháp cho một nền kinh tế bền vững. Nguy cơ dễ bị tổn thương là hiện hữu và tiềm ẩn cho những giai đoạn sắp tới. Tại thời điểm này, nhiều quốc gia đã sẵn sàng bằng mọi giá phải chặn đứng dịch bệnh, suy thoái kinh tế và nguy cơ khủng hoảng kinh tế, nhưng tiềm ẩn trong nó (ngay cả khi tìm lại được tăng trưởng) là áp lực lạm phát, là bùng phát của nợ (nợ công, nợ doanh nghiệp) và rất nhiều mối quan hệ kinh tế – chuỗi giá trị phải định nghĩa, thiết kế lại.

Như vậy, vòng xoáy luẩn quẩn của chu kỳ “nguy cơ suy thoái – gói kích thích tăng trưởng – tăng trưởng – nguy cơ suy thoái – gói kích thích tăng trưởng…” sẽ liên tục tiếp diễn và khoảng cách giữa 2 chu kỳ sẽ mỗi ngày một ngắn lại.

– Riêng Việt Nam, Thủ tướng đã yêu cầu các bộ ngành khẩn trương xây dựng các kịch bản phục hồi kinh tế sau dịch. Từ góc nhìn của ông, về tổng thể, một mô hình kinh tế quốc gia hậu COVID-19 cần được xây dựng như thế nào?

Tác động ảnh hưởng của COVID-19 sẽ kéo dài. Ngay cả khi dịch bệnh kết thúc ở Việt Nam thì thách thức vẫn còn vì nước ta có một nền kinh tế mở, với rất nhiều hợp tác song và đa phương. Do vậy, chủ trương xây dựng một kế hoạch phục hồi kinh tế “hậu dịch” hiệu quả là rất cần thiết.

Về mô hình kinh tế hậu COVID-19, tôi không cho rằng có sự thay đổi lớn so với trước khủng hoảng. Đó là mô hình tăng trưởng hiện đại dựa trên chất lượng vốn con người, trình độ công nghệ, năng lực đổi mới sáng tạo (innovation) và đầu tư cho các yếu tố này, bên cạnh năng suất lao động và năng suất vốn. Khi các chủ thể kinh tế tích luỹ kiến thức, đề cao đổi mới sáng tạo, thì ngoại ứng tích cực sẽ được tạo ra, đồng thời năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) và năng suất vốn sẽ không bị giới hạn và luôn có thể gia tăng với các ý tưởng công nghệ sáng tạo mới.

Đối với các nước đang phát triển như Việt Nam thì khi nguồn lực còn hạn chế thì nên ưu tiên tích luỹ vốn vật chất trong thời gian đầu (máy móc, thiết bị, công nghệ vừa tầm), và khi đạt được một trình độ phát triển tương đối cao thì cần đầu tư đồng thời vào công nghệ mới và giáo dục đào tạo để có lao động chất lượng cao phù hợp với công nghệ mới. Song song với chiến lược này là xây dựng một môi trường chính sách cởi mở, thông thoáng trong quản lý, khuyến khích cạnh tranh, đổi mới sáng tạo và R&D trong doanh nghiệp, và bảo vệ bản quyền, sở hữu trí tuệ.

Tuy không có thay đổi lớn trong mô hình kinh tế, nhưng một số thuộc tính nội tại của nền kinh tế lại cần được định hướng và thiết kế để “đủ sức” phản kháng với những cú sốc giống COVID-19:

* Tự cường: tăng nội lực, không bị phụ thuộc vào bên ngoài và đủ khả năng đáp ứng được những nhu cầu thiết yếu của nền kinh tế thông qua đảm bảo nguồn hàng và phương tiện sản xuất cần thiết khi gặp sốc. Có những ngành công nghiệp lõi và tinh nhuệ, được thúc đẩy phát triển dựa trên chiến lược công nghiệp và chọn đối tác chiến lược trong chuyển giao công nghệ.

* Khả năng ứng phó linh hoạt: các doanh nghiệp vừa và nhỏ SMEs, với số lượng lớn và khả năng chuyển đổi lĩnh vực dễ dàng khi cần thiết, luôn là bộ đệm “giảm sốc” cần thiết. Muốn nền kinh tế linh hoạt thì chúng ta cần chính sách để các SMEs khỏe mạnh và có năng lực cạnh tranh cao. Một trong những chính sách hiệu quả là nhà nước ưu tiên hỗ trợ tài chính cho các tập đoàn lớn có dự án phối hợp với SMEs để hình thành chuỗi giá trị nội địa hay quốc tế.

* Đổi mới sáng tạo và nghiên cứu phát triển (R&D): đây là hai yếu tố quan trọng để các quốc gia xây dựng năng lực cạnh tranh trong dài hạn. Thông thường các quốc gia và doanh nghiệp ít chú trọng đến đầu tư cho đổi mới sáng tạo và R&D trong thời kỳ kinh tế tăng trưởng, mà chỉ tập trung khai thác những bằng phát minh sáng chế sẵn có.

* Cụm cạnh tranh: cụm cạnh tranh có thể hiểu là một tập hợp các doanh nghiệp và các trung tâm nghiên cứu – đào tạo công và tư được hình thành trên một khu vực địa giới cụ thể và trên một chủ đề mục tiêu. Nhiều quốc gia đã thành công trong đổi mới mô hình tăng trưởng nhờ vào các cụm cạnh tranh, ví dụ Silicon Fen ở Vương quốc Anh (hay còn gọi Cambridge Cluster) với hơn gần 258000 người lao động, gần 28000 doanh nghiệp, và 51 tỷ bảng doanh thu theo số liệu hiện tại) hay 71 cụm cạnh tranh đang hoạt động ở Pháp trong đó nhà nước đồng hành trên các dự án R&D. Ở nước ta thì có thể thúc đẩy loại cụm cạnh tranh doanh nghiệp – trường đại học và viện nghiên cứu, hoặc cụm cạnh tranh thúc đẩy kết nối vùng miền hình thành chuỗi giá trị.

* Sức hấp dẫn trong huy động nguồn lực: Khi đã có ý tưởng, dự án và chiến lược thì nguồn lực con người và nguồn lực tài chính cần được huy động hiệu quả thông qua các thị trường vốn, dòng vốn FDI “xanh và bền vững”, và chiến lược thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.

https://enternews.vn/the-gioi-thay-doi-covid-19-da-thuc-day-cau-truc-kinh-te-moi-171992.html?fbclid=IwAR2vm7o8IMh259-jSX7O6R1zhtYyMfRHoiAFmTZ_ufp4LYQMZX1O-wivO-E