Chuyên gia kinh tế đang giữ vị trí Chủ tịch Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) chia sẻ: “Tôi thường khá lạc quan vào môi trường kinh tế. Khi nắm rõ những bất định, chúng ta sẽ có giải pháp trước. Tất cả đều phụ thuộc vào khả năng tư duy để có đối sách phù hợp đảo ngược tình thế. Cứ lo về khủng hoảng rồi chờ đợi thì không giúp được nền kinh tế đâu”.
Năm 2020, Việt Nam trải qua những thử thách chưa từng có nhưng cũng tạo ra những kết quả khó tin với rất nhiều lời khen ngợi như điều kỳ diệu châu Á, phép màu…. Từ góc nhìn của một chuyên gia kinh tế, ông thấy có kỳ diệu nào không?
Điểm có thể gọi là “phép màu” chính là việc Việt Nam vừa có khả năng kiểm soát được sự lây lan của bệnh dịch, vừa duy trì và phát triển các hoạt động kinh tế, tức là thực hiện thành công mục tiêu kép.
Rất nhiều chuyên gia cho rằng không thể vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế được. Nhưng kết quả cuối cùng cho thấy, không có gì là không thể nếu như có những giải pháp hợp lý cho cả nền kinh tế và việc chống khủng hoảng về y tế.
Đây là phép màu mà cộng đồng quốc tế đã đánh giá Việt Nam rất cao. Mới đây, Brand Finance đã đánh giá Việt Nam là nước có bước nhảy về thương hiệu quốc gia lớn nhất. Họ nhận định, Việt Nam có khả năng thích nghi cao, chống dịch tốt, vẫn duy trì để phát triển nền kinh tế và đảm bảo ổn định vĩ mô…
Nếu chọn 3 điểm ấn tượng nhất về kinh tế Việt Nam năm 2020, ông sẽ chọn những điểm nhấn nào?
Năm 2020, thế giới bước vào một cuộc khủng hoảng về sức khỏe, dẫn đến khủng hoảng về kinh tế. IMF còn gọi nền kinh tế toàn cầu năm 2020 là nền kinh tế đại phong tỏa.
Hầu hết các dự báo kinh tế đều cho rằng tất cả các nước sẽ gặp khó khăn. Ngay cả những nước có khả năng chống chịu cao với cú sốc từ bên ngoài hay những nền kinh tế có trình độ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo bậc cao cũng gặp khó khăn lớn và rơi vào suy thoái liên miên.
Không ai hình dung được, một quốc gia như Việt Nam lại có khả năng chống chịu cao hơn và có khả năng chèo lái nền kinh tế của mình một cách thành công như vậy. Đó là điểm nhấn thứ nhất.
Thứ hai, Việt Nam năm 2020, bên cạnh môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, không có nhiều biến động về tỷ giá, và lạm phát được kiểm soát ở mức ổn định tương đương với mức trung bình của cả nhiệm kỳ, thì Việt Nam có một bước tiến kỷ lục về xuất siêu.
Cán cân thương mại của Việt Nam năm nay dự kiến thặng dư khoảng 20 tỷ USD, đó là một bước tiến lớn, khi năm thành công nhất trước đó của chúng ta chỉ thặng dư 11 tỷ USD. Ít người có thể hình dung trong điều kiện kinh tế toàn cầu như vậy, nhất là khi tất cả các đối tác thương mại và kinh tế lớn của Việt Nam đều suy thoái sâu, thì Việt Nam lại vẫn có thể đạt mức xuất siêu kỷ lục như vậy.
Tìm hiểu sâu hơn, có thể thấy rằng, chúng ta dần tiến đến xu hướng nhập tốt hơn và xuất tốt hơn. Nhập tốt hơn là tập trung nhập nhiều nhóm ngành hàng công cụ sản xuất, máy móc, thiết bị mà doanh nghiệp trong nước chưa sản xuất được. Việc phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu đang dần có xu hướng giảm đi khi Covid-19 thúc đẩy chúng ta phải tìm cách hạn chế phụ thuộc vào bên ngoài. Xuất tốt hơn ở chỗ, với những mặt hàng chủ lực xuất khẩu của chúng ta, phần giá trị gia tăng được sản xuất tại Việt Nam đã tăng lên đáng kể.
Thứ ba, một nghiên cứu mới đây của World Bank vào tháng 8/2020 đã xếp Việt Nam vào nhóm 16 quốc gia mới nổi thành công nhất trong việc chuyển dịch lên nhóm các quốc gia có năng suất cao nhất trên thế giới bên cạnh các nước hàng đầu trong khối OECD.
Đọc thêm tại https://toquoc.vn/gsts-nguyen-duc-khuong-viet-nam-phai-so-ngheo-doi-so-lac-hau-va-thua-thiet-nhu-so-covid-19-thi-phat-trien-kinh-te-moi-manh-me-nhu-chong-dich-duoc–420203012213540366.htm