Theo bảng xếp hạng hệ sinh thái khởi nghiệp của các quốc gia (Startup Blink), Việt Nam được xếp vị trí 59 trên thế giới. Cũng trong năm 2020, Việt Nam tiếp tục giữ vững thứ hạng 42/131 quốc gia, vùng lãnh thổ về Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII).
Những thành tựu này có một phần công lao đóng góp của Hệ sinh thái Đổi mới sáng tạo của Việt Nam ở nước ngoài.
Bên cạnh sự gia tăng của số lượng du học sinh, trung bình hàng năm còn có khoảng 500 nhà khoa học người Việt ở nước ngoài tham gia giảng dạy, triển khai đề tài, dự án nghiên cứu chung cũng như thực hiện chuyển giao công nghệ, hợp tác đầu tư phát triển doanh nghiệp. Đây là nguồn lực của đất nước trên hành trình phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo nói riêng và phát triển kinh tế – xã hội.
Chính vì lẽ đó, tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu – AVSE Global phát động cuộc thi Đổi mới sáng tạo toàn cầu thường niên Hack4Growth từ cuối năm 2019. Cuộc thi được Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài thuộc Bộ Ngoại giao bảo trợ.
Trong năm nay, cuộc thi tiếp tục được phát động với tên gọi Hack4Growth Unlimited! hướng tới mục tiêu đóng góp vào sự nghiệp phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam, giải quyết những bài toán của các địa phương ở Việt Nam. Hack4Growth huy động lực lượng trí thức trẻ Việt Nam tìm kiếm ý tưởng cho 7 lĩnh vực, gồm biến đổi khí hậu, du lịch, nông nghiệp, bình đẳng xã hội, phát triển đô thị, giáo dục, an toàn sức khỏe và cộng đồng. Hack4Growth được triển khai ở các khu vực tại Australia Bắc Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và Việt Nam.
Vừa qua, Mạng lưới thúc đẩy khởi nghiệp Việt Nam tại Australia (SVF-AU) và Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam – Australia (NIC-AU) đã khởi động cuộc thi Đổi mới sáng tạo Hack4Growth Australia năm 2021.
Mở màn cho sự kiện khởi động cuộc thi mang tên Hack4Growth Kick-off 2021, một buổi hội thảo đã được tổ chức dưới hình thức trực tuyến. Trong đó, ban tổ chức đã mời các diễn giả trẻ là những nhân vật nổi tiếng trong giới khởi nghiệp thế giới và Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm.
Phát biểu tại buổi hội thảo, Tiến sĩ Trần Việt Hùng, một nhà sáng lập thành công tại Thung lũng Silicon (Mỹ) của Công ty Got It, đồng thời là thành viên Tổ tư vấn thuộc Ủy ban quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo của Thủ tướng Chính phủ, khẳng định Việt Nam đang có cơ hội rất lớn trong lĩnh vực phát triển các start-up liên quan đến mảng công nghệ.
Theo Tiến sĩ Trần Việt Hùng, đại dịch Covid-19 và những thành tựu đạt được trong công tác quản lý dịch bệnh của Việt Nam đã đưa nước ta trở thành một trong những đích đến của các nhà đầu tư và doanh nghiệp thế giới. Việc nắm bắt kịp thời và tận dụng các cơ hội có sẵn sẽ đem lại “cú hích” cho doanh nghiệp khởi nghiệp trong nước.
Tiến sĩ Vũ Ngọc Tâm, nhà sáng lập và Giám đốc điều hành của Công ty Earable, giảng viên Đại học Oxford và Colorado Boulder cho rằng, thế giới đang “ngày càng phẳng”, mối tương quan giữa giới học thuật và doanh nghiệp ngày càng trở nên chặt chẽ hơn. Các doanh nghiệp khởi nghiệp nên có tư tưởng đổi mới sáng tạo để vận hành theo hướng hợp tác với các trường đại học, trung tâm nghiên cứu và doanh nghiệp khác để cùng nâng cao khả năng tìm ra giải pháp công nghệ mới.
Câu chuyện “tiếp sức” của các diễn giả thu hút rất nhiều sự quan tâm của các bạn trẻ Việt Nam trong và ngoài nước, với hàng loạt câu hỏi được gửi về ban tổ chức, mong muốn được các diễn giả đóng góp và giải đáp. Các diễn giả đã chỉ ra tầm quan trọng của việc khởi nghiệp để giải quyết vấn đề thực tế trong xã hội, chia sẻ một số thông tin cần lưu ý trong quá trình phát triển dự án khởi nghiệp, cũng như thảo luận về hiện trạng của lĩnh vực đổi mới sáng tạo tại Việt Nam năm 2021.
Nguồn: Sài gòn giải phóng