CEO Loship cho biết, động lực cho Lozi bắt đầu chính là việc ông và nhóm bạn tìm thấy lỗ hổng của thị trường về vấn đề tìm kiếm thông tin.
Việt Nam hiện có 3800 startup là tỷ lệ cao, do đó, khả năng cạnh tranh của startup để “sinh tồn” phải ngày càng cao, đặc biệt trong bối cảnh bất ổn của kinh tế toàn cầu.
Chia sẻ tại Hack4Growth – cuộc thi đổi mới sáng tạo toàn cầu do Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam Toàn cầu (AVSE Global) và Doanh nghiệp xã hội AVSE Corporation Việt Nam, ông Trần Minh Sơn – Đồng sáng lập, Tổng Giám đốc Công ty Loship không ngại ngần bày tỏ tham vọng của Loship là trở thành “nền tảng thương mại điện tử nội đô.”
Nhắc tới câu chuyện của Loship mà trước kia là Lozi những ngày đầu thành lập, ông Sơn cho biết, động lực cho Lozi bắt đầu chính là việc ông và nhóm bạn tìm thấy lỗ hổng của thị trường về vấn đề tìm kiếm thông tin. Bởi thời điểm năm 2012, không có nhiều người viết content review về ẩm thực, hay chia sẻ thông tin về nhà hàng nên tìm kiếm quán ăn ngon trên Google cũng không dễ.
Từ nhu cầu bản thân và nhu cầu thị trường, ông Sơn và các founder khác đã quyết định thành lập Lozi. Lozi được xây dựng dựa trên content review quán ăn do chính người dùng đóng góp.
Cuối năm 2017, những nhà sáng lập Lozi mới nhận ra rằng giữa người mua và bán còn một yếu tố trung gian, nếu Lozi không cung cấp được, thì Lozi nằm ngoài giao dịch giữa hai đối tượng khách hàng này. Vậy để giải quyết vấn đề này thì có hai phương án, một là công ty sở hữu một kênh thanh toán riêng, hai là mình có một kênh vận chuyển. Như vậy, Loship được ra đời vào tháng 11/2017.
“Tức là, tất cả những gì người dùng mua trên nền tảng của Loship, không chỉ giới hạn là đồ ăn, thì sẽ được Loship phụ trách vận chuyển đến họ. Loship sẽ quản lý toàn bộ hành trình của khách hàng (customer journey) từ lúc người ta nhìn thấy hình ảnh của sản phẩm trên nền tảng online đến khi họ nhận được món hàng thực tế, và đối tượng khách hàng mở rộng thành end user, merchant và driver”, ông Sơn chia sẻ.
Đặc biệt, trả lời câu hỏi “nếu được chọn đi lại một bước đi trong giai đoạn đầu khởi nghiệp sẽ chọn bước đi nào?” ông Sơn cho biết nếu được làm lại thì mong muốn làm dứt khoát hơn, tiết kiệm thời gian hơn.
“Thời điểm đó chúng tôi 10 lần thử nghiệm sai mới có 1 lần đúng. Do đó, nếu được làm lại tôi ước có thể dứt khoát hơn, sai nhanh hơn, sửa nhanh hơn, cắt ngắn được khoảng thời gian đó của mình”, ông Trần Minh Sơn chia sẻ.
Xuất hiện trong cuộc trò chuyện lần này cũng chính là mentor của Hack4Growth – là người cung cấp những kiến thức chuyên môn cũng như các kỹ năng từ góc độ của một người dày dặn kinh nghiệm hơn cho Hack4Growth Innoverse bà Lê Huỳnh Kim Ngân (Ngân Sâu) – Phụ trách Đầu tư và Điều hành Bộ phận Tăng trưởng & Phát triển Quốc tế tại quỹ đầu tư mạo hiểm ThinkZone.
Bà Kim Ngân không còn là một gương mặt xa lạ với cộng đồng công nghệ và Khởi nghiệp Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung. Với hơn 10 năm kinh nghiệm phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, chị Ngân từng mát tay hỗ trợ, kết nối rất nhiều các startup với các đối tác đầu tư, kinh doanh, cũng như hỗ trợ các dự án thương mại hóa sản phẩm, dịch vụ.
Được biết, Hack4Growth là cuộc thi đổi mới sáng tạo toàn cầu do Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam Toàn cầu (AVSE Global) và Doanh nghiệp xã hội AVSE Corporation Việt Nam thực hiện dưới sự bảo trợ của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao. Hack4Growth là cuộc thi nhằm thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam, thúc đẩy sự phát triển bền vững của quốc gia thông qua việc phát triển các giải pháp thực tế và hướng tới cộng đồng.
Hack4Growth năm nay – 2022 tiếp nối sự thành công của 2 mùa trước với chủ đề INNOVERSE – một metaverse không biên giới và vô hạn, tạo sức mạnh cho đổi mới sáng tạo trên các khu vực, lĩnh vực và các bên liên quan.
AVSE Global là Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam Toàn cầu, có trụ sở tại Paris, tiên phong trong tư vấn chiến lược, đào tạo quản lý cấp cao và tổ chức diễn đàn chuyên môn mang lại hiệu quả sáng tạo đột phá về phát triển bền vững cho Việt Nam, thông qua kết nối sức mạnh trí tuệ tập thể của chuyên gia, trí thức người Việt toàn cầu xuất sắc về chuyên môn và giàu khát vọng đóng góp cho đất nước.
BTC Hack4Growth và AVSE Global có một hệ sinh thái với hơn 10.000 trí thức người Việt hiện đang sinh sống và làm việc trên toàn thế giới. Khi ý tưởng được kêu gọi, BTC có thể thu hút được lượng chất xám của người Việt năm châu cùng một đội ngũ chuyên gia đẳng cấp thế giới tham gia.
Các đội thi sau khi tham gia Hack4Growth đều được theo dõi và đồng hành, hỗ trợ. Bên cạnh việc thực hiện các chương trình đào tạo trong quá trình thi. BTC cùng các đối tác còn hỗ trợ các dự án này kêu gọi vốn, vận hành và đi vào thị trường.
Đối tượng dự thi:
Thí sinh tham gia phải từ 15 tuổi trở lên và được bố mẹ hoặc người giám hộ chấp thuận cho tham gia cuộc thi; mỗi đội phải có ít nhất một thành viên từ 18 tuổi trở lên và có quốc tịch / gốc Việt Nam.
Hình thức:
Thí sinh đăng ký dự thi theo nhóm 3-5 thành viên. Trong trường hợp thí sinh muốn dự thi nhưng chưa tìm được nhóm hoặc chưa đủ số lượng thành viên, thí sinh có thể tìm và ghép nhóm trên nền tảng V-Space do BTC hỗ trợ.
Cách thức đăng ký:
Thí sinh sẽ nộp một video (5 phút) để giới thiệu về dự án. Thí sinh sẽ đăng ký thông tin cá nhân của trưởng nhóm, các thành viên và thông tin về dự án trên website. Thông tin dự án bao gồm: vấn đề giải quyết, sản phẩm/giải pháp, điểm khác biệt, kế hoạch kinh doanh tóm tắt trong 02 năm tới.
Trong trường hợp chưa có đủ số lượng thành viên, thí sinh có thể đăng ký thông tin cá nhân và ý tưởng dự án trên website. Đồng thời, thí sinh có thể đăng tải thông tin cá nhân để tìm và ghép nhóm trên nền tảng V-Space do BTC hỗ trợ nhằm hoàn thiện thông tin đăng ký dự thi sau khi đã tìm đủ thành viên cho nhóm (hoặc thí sinh có thể tự tìm thành viên và chỉ cần bổ sung đầy đủ thông tin BTC yêu cầu trong thời hạn diễn ra vòng 1).